|
Ðưa cây mây và một số cây đặc dụng từ vùng cấy lúa nước về trồng ở rừng núi là sáng kiến của anh Phạm Ngọc Dũng.
Anh Dũng năm nay 52 tuổi, là thương binh hạng ba, bệnh binh hạng hai nhưng say sưa với nghề lâu đời của quê hương là sản xuất và phát triển hàng mây song tại thôn Tây Phú, xã Thượng Hiền (Kiến Xương, Thái Bình).
Sau khi học và tốt nghiệp cao đẳng lâm nghiệp, năm 1993 anh nghiên cứu và sáng chế thành công sáu loại go dệt mặt bàn, mặt ghế mây đạt tiêu chuẩn kỹ thuật xuất khẩu, với kỷ lục 6,5m2/công, trước đây đan bằng tay chỉ đạt 30cm2.
Anh Dũng nhận thấy mây nguyên liệu cung cấp cho các làng nghề trong cả nước đều thiếu đã nảy ra ý định trồng, nhân giống loại cây này cung cấp cho các xã quanh vùng và các tỉnh miền núi để tạo nguồn nguyên liệu.
Năm 2003, anh bàn bạc với các nghệ nhân làng nghề và vận động 17 hộ thành lập một tổ, mạnh dạn chuyển đổi các diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang thâm canh cây mây giống. Với diện tích ban đầu 1,1 mẫu vườn tạp và 1,6 mẫu ruộng chuyển đổi, tổ đã ươm gần ba triệu cây mây giống.
Năm 2005, Công ty cổ phần thương mại sản xuất và phát triển mây song Dũng Tấn được thành lập, anh Dũng được bầu làm Chủ tịch HÐQT kiêm giám đốc công ty. Anh lại cùng một số kỹ sư đại diện cho công ty đến các tỉnh miền núi (từ Quảng Trị trở ra), vừa chào hàng, vừa chuyển giao kỹ thuật thâm canh cây mây nguyên liệu. Lần đầu đã có 14 tỉnh đặt hàng và 2,8 triệu cây giống mây Thái Bình đã được trồng ở các tỉnh miền núi.
Cuối năm 2005, công ty đưa giống mây nếp K83 vào thâm canh. Giống mây này có độ dẻo, trắng, bóng, khi sản xuất hàng hóa không cần phải xử lý bằng hóa chất và là cây giống chủ lực hiện nay. Năm 2006, công ty đã sản xuất 6,5 triệu cây giống, cung cấp cho 31 tỉnh trong cả nước.
Năm 2007, công ty có thêm 17 hộ thành viên mới xin gia nhập, đưa diện tích sản xuất lên 2,7 ha, ươm được 20 triệu cây mây giống, 20 nghìn cây sưa giống, 50 nghìn cây keo giống và 30 nghìn cây cau tứ quý. Trong năm 2007, công ty đã xuất bán hơn 12 triệu cây, hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước ngay từ tháng 10.
Công ty ngày càng sản xuất, kinh doanh ổn định và phát triển, mức lương luôn bảo đảm: năm kỹ sư đạt 2 triệu đồng/người/ tháng; 150 lao động thường xuyên là 600 nghìn đồng/người/tháng; 200 lao động thời vụ đạt 700 nghìn đồng/người/tháng; tạo việc làm cho hàng vạn lao động tại địa phương và nhiều tỉnh miền núi trong cả nước.
Công ty cổ phần Dũng Tấn đã đưa giá trị kinh tế của cây mây cao gấp chục lần so với cây lúa. Riêng cây mây giống sau khi trừ chi phí sản xuất, mỗi m2 đất một năm cho thu nhập từ 30 nghìn đồng trở lên.
|
|