Tên Việt Nam: KEO LAI
Tên khoa học: Acacia hybrid
Tiêu chuẩn ngành:
QĐ-132 ( 17/01/00 )NN các dòng BV10, BV16, BV32
QĐ-1998 ( 11/07/06 )NN dòng BV33
I - Giới thiệu chung:
Keo lai giâm hom là cây giống sinh dưỡng được tuyển chọn từ những dòng có năng suất cao có nguồn gốc là sự kết hợp trong tự nhiên giữa 2 loài: Keo lá tràm ( Acacia auriculiformis ) và keo tai tượng (Acacia mangium ). Cây có nguồn gốc ở Australia, được trồng phổ biến ở Đông Nam Á. Ở Việt Nam keo lai được trồng rộng rãi trên toàn quốc ( các dòng: BV10, BV16, BV32) và trồng trên diện rộng đối với dòng BV33. Cây mọc tốt ở hầu hết các dạng đất, ở nơi có lượng mưa từ 1.500-2.000 mm/năm. Mọc tốt trên đất có độ PH từ 3-7, phân bố từ độ cao 800m so với mực nước biển. Là cây ưa sáng mọc nhanh, có khả năng cải tạo đất, chống xói mòn.
Cây cao từ 25m đến 30m, đường kính (D1,3) có thể đạt 60 - 80cm. Gỗ thẳng, màu vàng trắng, có vân, có lõi giác phân biệt, gỗ có tác dụng nhiều mặt: Kích thước nhỏ làm nguyên liệu giấy, kích thước lớn sử dụng trong xây dựng, đóng đồ mộc, mỹ nghệ, làm hàng xuất khẩu.
II - Điều kiện gây trồng:- Nhiệt độ bình quân: 220C, tối thích từ 240C đến 280C, giới hạn 400C.
- Lượng mưa trung bình trên 1.000mm, tối thích 1.600mm, số tháng mưa bình quân: 4 tháng, tối thích: 6 tháng.
- Đất đai: Chủ yếu trồng trên loại đất feralit, tầng dầy tối thiểu 35cm, tối ưu: 40 – 50 cm. Đất phù sa cổ, đất xám bạc màu, đất phèn lên luống không bị ngập nước đều có thể trồng được.
- Do bộ rễ keo lai giâm hom chủ yếu là rễ bàn nên độ dầy tầng đất đối với rừng trồng nguyên liệu trong 5-7 năm tiến hành khai thác thì không nhất thiết phải có độ dầy tầng đất ≥ 40-50 cm. Nhưng trong điều kiện cụ thể, Keo lai giâm hom không được trồng trên các loại đất sau đây:
+ Đất trơ sỏi đá, tầng đất mỏng, độ sâu tầng đất < 20 cm.
+ Đất cát trắng, đất cát di động.
+ Đất nhiễm mặn thuờng xuyên ngập úng.
+ Đất bị đá ông hoá, sét hoá.
- Xây dựng hệ thống biển báo cấm đốt lửa trong rừng.
- Cấm chăn thả gia súc, cấm chặt phá cây rừng.
- Nơi có thể cơ giới thì phòng chống cháy rừng bằng cách cày sạch cỏ theo hàng. Trên hàng cây phải được phát dãy sạch cỏ, đưa cỏ và lá rụng ra khỏi giữa hai hàng cây để xử lý thực bì và làm tơi đất, kết hợp chống cháy rừng. Đất đồi núi không thể làm cơ giới được thì phát dọn thủ công toàn bộ thực bì, dây leo, cây bụi trên phần diện tích còn lại ngoài hàng cây.
III - Cây con giống :1/Nguồn gốc xuất xứ, cơ sở pháp lý: Các dòng Keo lai BV10; BV16; BV32 và BV33 đã được Trung tâm nghiên cứu giống cây rừng ( Viện khoa học lâm nghiệp ) tuyển chọn trồng khảo nghiệm và được Bộ Nông nghiệp và PTNT quyết định công nhận là giống mới và giống quốc gia:
- Quyết định số:132-QĐ/BNN-KHCN ngày 17/01/2000 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về việc công nhận 3 dòng vô tính keo lai BV10; BV16; BV32.
- Quyết định số:1998-QĐ/BNN-KHCN ngày11/07/2006 về việc công nhận giống cây lâm nghiệp mới trong đó có dòng BV33 được công nhận là giống quốc gia.
2/ Vườn vật liệu giống gốc:Các dòng Keo lai BV10; BV16; BV32 và BV33 này được Công ty cổ phần giống lâm nghiệp vùng Nam Bộ nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô. Sau đó đem trồng thành vườn vật liệu giống gốc hay còn gọi là vườn cây đầu dòng. Vườn vật liệu giống gốc chỉ được lấy cành hom từ 2-3 năm sau đó phải trồng thay thế bằng cây giống mới.
3/Tiêu chuẩn bầu và cây con :+ Cành hom được cắt từ vườn vật liệu và giâm trong túi bầu PE (polyetylen ), có đường kính thông thường là 7 cm, chiều cao:12 cm, được cắt hai bên góc để thoát nước.
+ Hỗn hợp ruột bầu gồm các chất: Đất mùn, phân chuồng, phân lân, tro trộn đều.
+ Tuổi cây con: 3-4 tháng.
+ Đường kính cổ rễ: 2-3 mm.
+ Chiều cao: 25-30 cm.
+ Cây sinh trưởng tốt, thân thẳng, cân đối, không sâu bệnh.
- Chú ý:+ Cây con trước khi xuất nên tưới đủ ẩm. Khi bốc xếp vận chuyển phải nhẹ nhàng, tránh làm vỡ bầu, gãy ngọn làm tổn thương đến cây con, cần loại bỏ những cây không đạt tiêu chuẩn ngay tại vườn (ốm yếu, kém phẩm chất, cây sâu bệnh ).
+ Khi chuyển đến nơi trồng rừng nếu không trồng hết trong ngày phải được đưa xuống đất, xếp thành luống ngay ngắn, tưới nước chăm sóc.
IV - Thiết kế và trồng rừng:
1/ Đất thiết kế trồng rừng: Là đất lâm nghiệp dùng để trồng rừng sản xuất hoặc rừng phòng hộ phù hợp với cây Keo lai.2/ Chuẩn bị đất trồng rừng:
a/ Đất có khả năng cơ giới hoá: Sử dụng máy cày để cày phá lâm bằng chảo 3 làm ải đất, cày chảo 7 để phay đất ( đạt độ tơi của đất ).
b/ Đất đồi núi nơi có độ dốc cao không thể làm cơ giới được thì phát dọn toàn bộ thực bì bằng biện pháp thủ công và gom đống đốt có kiểm soát.
3/Thiết kế hệ thống đường băng cản lửa:
Dùng để ngăn cách lửa giữa các lô của rừng trồng kết hợp làm đường vận chuyển, vận xuất phục vụ cho công tác trồng, chăm sóc và khai thác,…
- Đường băng rộng khoảng 8m-10 m được san ủi trắng hoặc phát dọn sạch thực bì.
- Tận dụng triệt để hệ thống sông, suối, đường giao thông làm đường ranh cản lửa.
- Tùy theo địa hình bằng phẳng hay đồi núi, điều kiện chăm sóc cơ giới hay thủ công, lực lượng quản lý bảo vệ rừng mà thiết kế cự ly giữa các băng cản lửa: từ 100 đến 300 m.
- Nơi có độ dốc dưới 150 băng đặt vuông góc với hướng gió hại trong mùa khô. Nơi địa hình phức tạp, độ dốc từ 150-250bố trí băng theo đường đồng mức.
4/ Mật độ thiết kế:
a/ Trồng rừng trên đất tương đối bằng phẳng cơ giới hóa được : Để thuận lợi cho quá trình cày chăm sóc và phòng chống cháy rừng bằng cơ giới (máy cày) chúng ta nên thiết kế trồng rừng với cự ly hàng cách hàng 3m; cây cách cây có thể là 2m hoặc 1,5m. Tương ứng với các mật độ trồng là :
+ Mật độ: 1.667 cây/ha ( cự ly hàng 3m, cự ly cây 2m )
+ Mật độ: 2.222 cây/ha ( cự ly hàng 3m, cự ly cây 1,5m )
b/ Trồng rừng trên đất đồi núi không thể cơ giới được : Tiến hành thiết kế và trồng theo đường đồng mức (dễ thi công và hạn chế được xói mòn). Có thể trồng theo nhiều loại mật độ như sau :+ Mật độ: 2.500 cây/ha (cự ly hàng 2m, cự ly cây 2m )
+ Mật độ: 2.222 cây/ha ( cự ly hàng 3m, cự ly cây1,5m )
+ Mật độ: 2.000 cây/ha ( cự ly hàng 2,5m, cự ly cây 2m )
+ Mật độ: 1.667 cây/ha ( cự ly hàng 3m, cự ly cây 2m )
5/ Đào hố trồng:
Hố phải được đào trước khi trồng rừng, cự ly đúng theo thiết kế (những nơi dốc trên 150 phải bố trí theo nanh sấu để hạn chế xói mòn), kích thước hố 30cmx30cmx30cm. Phân bón: có thể bón lót bằng phân chuồng hoai khoảng 500gr/1hố; phân vi sinh từ 200-300 gram/1hố hoặc phân NPK ( 15-15-15 hoặc 16-16-8 ) khoảng 50gram/1hố ; phân được trộn đều dưới đáy hố với lớp đất mặt, sau đó phủ thêm một lớp để khi trồng rễ cây không tiếp xúc trực tiếp với phân.
6/ Thời vụ trồng rừng:- Trồng vào đầu mùa mưa: từ tháng 6 đến tháng 7 hoặc từ tháng 9 đến tháng 10 hàng năm (tùy thuộc vào đặc điểm của từng vùng khí hậu).
- Phải kết thúc trước mùa mưa chính 1,5 -2 tháng, không được trồng vào cuối mùa mưa chính.
7/ Kỹ thuật trồng:
- Trước khi bỏ cây xuống hố cần phải xé tuí bầu. Chú ý: cẩn thận không được làm vỡ bầu sẽ làm ảnh hưởng đến bộ rễ của cây con.
- Đất trong hố được trộn đều và lấp bổ sung cho đầy, đặt cây con vào giữa hố, để mặt bầu thấp hơn miệng hố 3-4cm, giữ cây thẳng đứng sau đó lấp đất, dùng tay ấn chặt lớp đất mặt vào gốc cây.
V - Chăm sóc nuôi dưỡng, bảo vệ rừng:
1/ Chăm sóc rừng trồng:- Sau khi trồng 1 tuần đến 10 ngày, tiến hành kiểm tra phát hiện cây chết để trồng dặm kịp thời.
- Một tháng sau khi trồng phải tiến hành dãy cỏ theo hàng cây, kết hợp vun gốc với bón phân ( 50 gram NPK/cây ). Vun gốc theo dạng hình nón ( đường kính 50-60cm; cao 20cm). Cuối mùa mưa tiến hành phát dọn cỏ theo hàng, chặt bỏ dây leo, cây bụi, tiến hành cày giữa hai hàng cây, tiến hành đốt cỏ và lá rụng vào ban đêm lúc có sương xuống, trời lặng gió để hạn chế ngọn lửa.
- Năm thứ hai tiếp tục dãy cỏ theo hàng, cuốc hố hai bên gốc bón 100gram phân NPK/gốc/lần (bón từ 1 đến 2 lần ) vào đầu và cuối mùa mưa. Cũng tiến hành cày chăm sóc hoặc phát dọn thủ công như năm thứ nhất.
- Các năm tiếp theo vào mùa mưa tùy theo lượng thực bì mà tiến hành chăm sóc từ 1 đến 2 lần: Phát cỏ, chặt bỏ dây leo, cây bụi, cày chăm sóc phòng chống cháy rừng.
2/ Nuôi dưỡng rừng:- Đối với rừng trồng nguyên liệu: Rừng trồng với các mật độ từ 1.667 cây/ha đến 2.500/ha thì không cần tỉa thưa. Khi rừng đã được 5-6 tuổi thì tuỳ tình hình sinh trưởng của rừng có thể đạt từ 120 – 200 m3 là có thể khai thác làm nguyên liệu giấy và gỗ bao bì.
- Đối với rừng trồng mục đích lấy gỗ thì tiến hành tỉa thưa khi rừng khép tán, tùy tình hình cụ thể có thể 3-5 năm tỉa thưa một lần ( tỉa thưa lần 1 lấy ra khoảng 50% số cây, 5 năm sau tỉa thưa lần 2 số cây còn chừa lại khoảng 200-300 cây/ha ). Chú ý: Khi tiến hành tỉa thưa phải áp dụng đúng theo Quy trình tỉa thưa rừng trồng cho các lần tỉa để đạt sản phẩm mục đích sau cùng là cây gỗ lớn.
3/ Bảo vệ, phòng chống cháy rừng:
- Tuyên truyền ý thức bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng cho người dân xung quanh khu rừng.
- Nơi không thể cơ giới được thì phát dọn bằng biện pháp thủ công, gom đống thực bì và lá rụng thành những đống nhỏ, cách xa nhau và đốt có kiểm soát.
- Thường xuyên bảo dưỡng đường băng cản lửa, cào và đốt sạch thực bì, lá rụng trên các băng cách lửa để thuận tiện cho việc đi lại trong việc quản lý bảo vệ, phòng chống cháy rừng.
- Xây dựng chòi canh lửa rừng và phân công người trực thường xuyên để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các vụ cháy rừng.
- Quan hệ mật thiết với chính quyền địa phương trong việc quản lý bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng. Đơn vị quản lý rừng phải chuẩn bị đầy đủ những trang thiết bị dụng cụ, nhân lực cần thiết phòng khi có cháy rừng thì kịp thời dập tắt.
Lời kết: Keo lai giâm hom là sản phẩm của quá trình nghiên cứu khoa học chọn giống cây rừng, các cây keo lai đầu dòng được tiến hành nuôi cấy mô để duy trì nguồn gien tốt, có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt. Trong điều kiện bình thường năng suất rừng trồng keo lai bình quân là 20-25m3/ha/năm, nếu được chăm sóc tốt rừng cây keo lai có thể cho năng suất 30 m3-40m3/ha/năm.